Từ lâu, hình ảnh chiếc áo bà ba và khăn rằn đã đồng hành cùng người phụ nữ miền Tây như một y phục đặc trưng cho sự mộc mạc, thuần khiết và toát lên tính cách đôn hậu, dung dị khiến bao du khách say lòng.
Khăn rằn có nguồn gốc từ người Khmer (tiếng Khmer đọc là krama) và trong quá trình cộng cư của các dân tộc trên vùng đất đồng bằng sông Cửu Long, nó đã được chuyển thành thứ trang phục đặc trưng. Chiếc khăn rằn thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn và có lẽ các lằn ngang dọc ấy là gốc gác của tên gọi khăn rằn. Chiếc khăn rằn có chiều dài khoảng 1,2m, rộng chừng 40–50 cm, không cầu kỳ, sặc sỡ mà bình dị, đơn giản.
Để làm ra chiếc khăn rằn hoàn chỉnh, người thợ phải tốn nhiều thời gian bởi trải qua nhiều công đoạn, từ việc xả những cuộn chỉ lớn thành những búi nhỏ, cho chỉ vào nồi nhuộm màu rồi phơi trên giàn. Sau đó, đến công đoạn lên bột hồ cho chỉ, quấn chỉ vào những con thoi đưa lên khung dệt, dệt thành những tấm khăn rằn hoàn chỉnh nối liền nhau, cuối cùng là cắt khăn rằn thành từng chiếc lẻ (người trong nghề gọi là “xé khăn”).
Trong suốt quá trình sản xuất khăn rằn, công đoạn lên hồ (bột hồ được lấy từ bột gạo) được xem là quan trọng nhất, bởi nó giúp những sợi chỉ cứng hơn, dễ dàng dệt khăn và khi dệt xong khăn rằn sẽ có độ cứng vừa phải, dễ gấp nếp; nhưng khi sử dụng, giặt qua nhiều lần lớp hồ trôi đi, khăn sẽ trở nên mềm mại; đó là một trong những đặc điểm vô cùng độc đáo của những chiếc khăn rằn.
Hãy đồng hành cùng với #DuThuyenBassac về thăm miền Tây không chỉ để thưởng thức phong cảnh sông nước hữa tình, mà còn là dịp để nhìn ngắm hình ảnh chiếc khăn rằn giản dị, mộc mạc nhưng gắn bó với con người nơi đây như những người bạn tri kỉ.
Photo credit: https://thamhiemmekong.com/