Ngày xưa, phải đợi đến Tết Trung Thu gia đình tôi mới được thưởng thức chiếc bánh pía thơm ngon mà mỗi người chỉ được nếm một phần tư chiếc bánh do cuộc sống còn thiếu thốn. Ăn xong rồi mà mùi vị béo thơm của chiếc bánh vẫn còn đọng lại trên đầu lưỡi. Ngày đó tôi chỉ ước rằng mình có tiền để có thể ăn được gấp nhiều lần hơn nữa. Bánh pía ngày xưa được làm khá đơn giản, vỏ ngoài làm bằng bột mì có nhiều lớp da mỏng bao lấy phần nhân, lớp da ngoài dày thường để in chữ màu đỏ nổi bật, nhân làm bằng đậu xanh và mỡ heo.
Bánh pía thực chất có nguồn gốc từ bánh trung thu của người Triều Châu, do một số người Minh Hương di cư sang Việt Nam từ thế kỷ 17 mang theo. Từ “pía” có gốc từ tiếng Triều Châu “pi-é”, âm Hán Việt có nghĩa là bánh. Trước đây, việc làm bánh pía hoàn toàn mang tính thủ công và phục vụ cho nhu cầu của từng gia đình. Các lò bánh pía tập trung nhiều ở tỉnh Sóc Trăng. Bánh pía Sóc Trăng không quá ngọt và cũng không quá béo, khiến người ăn có thể nếm lai rai mà không thấy ngán. Lớp vỏ bánh mềm dẻo, mịn màng ôm lấy nhân bánh thơm ngọt phía trong. Điểm đặc biệt nhất của bánh pía Sóc Trăng là hoàn toàn không sử dụng hương liệu. Mùi thơm của bánh được tạo ra từ những múi sầu riêng được tuyển chọn từ khắp miệt vườn miền Tây.
Do thị hiếu của người tiêu dùng mà ngày nay các lò bánh cho thêm các thành phần hương liệu khác như sầu riêng, khoai môn, trứng muối. Bây giờ không cần đợi đến Trung thu, chúng ta dễ dàng tìm mua được bánh pía ở siêu thị hay các tiệm tạp hóa lớn kể cả ngày thường. Đúng là cùng một loại bánh nhưng hoàn cảnh thưởng thức khác nhau, hương vị bánh cũng vì vậy mà chẳng giống. Bánh lúc nào cũng thơm ngon, ấy vậy mà mùi vị của chiếc bánh pía ngày xưa vẫn in đậm trong kí ức của tôi mỗi dịp Rằm Trung Thu.
Photo credit: https://www.webtretho.com/