Ngày 1/11/1997, một vùng áp thấp cách quần đảo Trường Sa khoảng 300 km về phía Đông Đông Nam đã nhanh chóng mạnh lên thành bão ở biển Đông, cơn bão số 5 - Linda, vô cùng khốc liệt ở khu vực Nam Bộ. Khi thời điểm mà hầu hết nhà dân ở đây đều tạm bợ, nếu không có “những lá chắn xanh” kết thành bức tường vững chãi để che chắn thì có lẽ những ngôi nhà trong làng cũng khó mà giữ được.
“Lá chắn xanh” được nhắc đến chính là những hàng bần ven sông vẫn ngày đêm làm nhiệm vụ che chở và bảo vệ, giúp người dân giữ đất, giữ làng. Bần thuộc loài thân gỗ, có nhiều cành. Cây phát triển có khi cao tới 25m, cùng với bộ rễ lớn và bám chặt, cây bần góp phần rất hữu hiệu trong việc chắn gió. Bần là loài cây gắn liền với cuộc sống của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Ở đâu có sông, có vàm, cù lao là ở đó cây bần sinh sôi nảy nở thành rừng. Bần còn phát triển rất tốt ở những khu rừng ngập mặn và có bộ rễ rất đặc trưng. Rễ chính to khỏe, xung quanh có nhiều rễ phụ (rễ thở) với hình dáng như chiếc cọc nhọn mọc lên thành từng cụm quanh gốc. Vì là loại cây sống trong môi trường đầm lầy ngập nước có ít oxy trong đất, các rễ phụ của cây đâm ngược lên khỏi mặt bùn để oxy thông qua các lỗ trên rễ đi vào các mô dưới đất giúp cây hô hấp tốt hơn.
Những năm trở lại đây, mảnh đất hiền hòa nơi có dòng sông Mekong chảy qua vẫn còn phải hứng chịu nhiều trận bão lũ, sạt lở làm ảnh hưởng đến cuộc sống và mùa màng của người dân. Ngoài nhiệm vụ chắn bão, cây bần còn giúp chống xói lở đôi bờ sông, đóng góp không nhỏ vào việc cải tạo độ phì nhiêu cho đất. Những hàng bần xanh mướt mọc theo những bờ sông, bờ rạch góp phần làm dịu đi cái nóng oi bức của những ngày hè không biết từ bao giờ đã trở thành một hình ảnh rất đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Không chỉ vậy, cây bần còn là một phần tuổi thơ của những người con lớn lên từ mảnh đất này. Ngày nước lên, bọn trẻ cùng nhau tắm sông rồi trèo lên cây bần hái những trái còn chưa kịp chín. Vị của nó vừa chua vừa chát nhưng với người dân nơi đây nó là loại quả rất ngon và luôn có sẵn mà không tốn tiền để mua. Hoa bần rất đẹp, trái nấu canh chua cũng rất ngon. Nhớ biết bao mẻ cá linh kho mà có trái bần chín, ăn với cơm nóng trong những ngày lụt lội. Đậm đà hơn nữa trong tô canh chua cá đồng nêm vị chua mát của trái bần quê…
Không mang lại giá trị kinh tế như các loài cây khác nên cây bần không mấy khi được quan tâm. Nhưng đối với người dân Nam Bộ, chúng lại mang đến những ý nghĩa vô cùng lớn lao. Mỗi khi mưa lũ kéo về, người dân miền sông nước lại càng thêm yêu quý và trân trọng “những người lính gác” vẫn đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ sự bình yên cho người dân và mảnh đất quê hương.